Bạn có thể xem Ebook tiếng Việt miễn phí tại đây.
Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nitobe
Inazō
Chương 1:
Võ sĩ đạo là một hệ thống đạo đức
Biểu tượng của Võ Sĩ Đạo là hoa anh đào, cả hai đều là sản phẩm của nước Nhật Bản. Nó không phải là loại tiêu bản ép khô chẳng có chút sinh khí nào được lưu giữ trong tập tiêu bản của lịch sử nước chúng tôi. Ngược lại, nó là một vật sống động kết hợp hài hoà giữa sức mạnh với vẻ đẹp tồn tại trong dân tộc Nhật Bản. Tuy ta không thể chạm vào nó, nhưng với hương thơm độc đáo, nó phát ra những màu sắc kỳ lạ quanh ta, trùm lên ta một bầu không khí đạo đức hoàn mỹ.Hình thái xã hội trong đó Võ Sĩ Đạo sinh ra và phát triển đã biến mất từ lâu; song, cũng như các vì sao xa xăm tuy đã biến đi nhưng vẫn còn toả sáng trên bầu trời, với tư cách là sản phẩm của chế độ phong kiến sau khi chế độ ấy đã chết, Võ Sĩ Đạo vẫn tồn tại như trước và giờ đây vẫn chiếu rọi trên bầu trời đạo đức của chúng tôi. Tại châu Âu, khi Hiệp Sĩ Đạo (1) - tương tự như Võ Sĩ Đạo - chết đi mà không ai luyến tiếc, một chính khách người Anh là Burke(2) từng viết những lời tống biệt xúc động được khắp nơi truyền tụng. Giờ đây tôi không khỏi cảm thấy vô cùng sung sướng khi cũng dùng cùng thứ ngôn ngữ của Burke - Anh ngữ - để trình bày các vấn đề của Võ Sĩ Đạo[1].
Do sự thiếu hiểu biết đáng buồn về văn minh vùng Viễn Đông, ngay cả đến tiến sĩ George Miller thông thái (tác giả sách "Lịch sử Triết học", History Philosophically Illustrated, bản in lần 3 năm 1853, tập II, trang 2) cũng đều không do dự khi tuyên bố rằng trên thực tế ở phương Đông cổ đại hoặc hiện đại đều chưa từng tồn tại những thể chế tương tự Hiệp Sĩ Đạo. Song ta hoàn toàn có thể tha thứ cho sự thiếu hiểu biết của ông. Vì khi phát hành bản in lần thứ 3 tác phẩm của vị tiến sĩ tốt bụng ấy thì viên tư lệnh của hạm đội Perry đã mở toang được cánh cửa lớn của quốc sách bế quan toả cảng Nhật Bản hồi đó đang thực thi. Trong hơn 10 năm sau đấy, chế độ phong kiến Nhật Bản sống lay lắt và tàn lụi dần. Karl Marx viết trong cuốn "Tư bản" rằng, nếu muốn nghiên cứu xã hội phong kiến thì lúc ấy(3) chỉ ở Nhật Bản là còn có thể nhìn thấy hình thái sống động của chế độ này. Tại đây, tôi cũng muốn lưu ý các nhà nghiên cứu phương Tây rằng, về phương diện lịch sử và luân lý học, các bạn cũng có thể nghiên cứu Võ Sĩ Đạo bắt đầu từ nước Nhật Bản hiện đại.
So sánh chế độ phong kiến và Võ Sĩ Đạo của Nhật Bản với chế độ phong kiến và Hiệp Sĩ Đạo của châu Âu là một điều vô cùng lý thú(4). Song cuốn sách này không nhằm mục đích nghiên cứu sâu các vấn đề đó.Các cố gắng của tôi chẳng qua chỉ để thuyết trình về: thứ nhất, nguồn gốc ban đầu và sâu xa của Võ Sĩ Đạo Nhật Bản; thứ hai, đặc tính và các giáo huấn của Võ Sĩ Đạo Nhật Bản; thứ ba, ảnh hưởng của nó đối với dân chúng Nhật Bản; thứ tư, ảnh hưởng của Võ Sĩ Đạo được tiếp nối và thực thi ra sao. Trong mấy điểm nói trên, điểm đầu tiên sẽ được trình bày ngắn gọn, vì nếu không, tôi sẽ có nguy cơ dẫn dắt bạn đọc đi lạc đường trong các ngõ hẻm vòng vèo của lịch sử Nhật Bản.Điểm thứ 2 sẽ được bàn kỹ hơn. Xét về mặt luân lý học quốc tế và tính cách học so sánh, sự trình bày đó sẽ làm các nhà nghiên cứu hào hứng đối với phương thức tư duy và hành động của dân chúng Nhật Bản. Những điểm còn lại chỉ là hệ luận.
Danh từ tiếng Nhật Bu-shi-do (Võ Sĩ Đạo) mà tôi tạm dịch ra tiếng Anh là Chivalry tức Hiệp Sĩ Đạo ấy, trên thực tế có ý nghĩa hàm súc hơn từ Thuật Cưỡi Ngựa. Xét về nghĩa của mặt chữ, thì Võ Sĩ Đạo là con đường của người Hiệp sĩ - Quân nhân - đạo lý mà người võ sĩ phải tuân theo trong nghề nghiệp và trong đời sống hàng ngày. Nói khái quát, đó là “Lời răn của võ sĩ", cũng tức là các nghĩa vụ cao cả người võ sĩ phải làm tròn, tuỳ theo tầng lớp xã hội mà họ lệ thuộc vào. Sau khi đã hiểu rõ nghĩa từ, xin cho phép tôi, trong các phần tiếp theo được sử dụng nguyên nghĩa của Võ Sĩ Đạo. Xét từ các góc độ khác, điều này cũng sẽ giúp cho cách hành văn được tiện lợi hơn. Mô thức tư duy và tính cách khác thường có đặc trưng rõ ràng ấy lại có ảnh hưởng chính xác về địa lý, tất sẽ sản sinh nhiều đặc trưng có tính đặc dị về biểu tượng. Bởi vậy, ngay cả các chuyên gia phiên dịch giỏi nhất cũng khó có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài để truyền đạt nổi ý nghĩa và tính cách khác thường có đặc trưng rõ ràng ấy lại có ảnh hưởng chính xác về địa lý, tất sẽ sản sinh nhiều đặc trưng có tính đặc dị về biểu tượng. Bởi vậy, ngay cả các chuyên gia phiên dịch giỏi nhất cũng khó có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài để truyền đạt nổi ý nghĩa Đức Gemuth? Ai có thể cảm nhận được sự khác biệt tinh tế về ngữ nghĩa cụ thể của hai từ rất giống nhau về hình thức là Gentleman trong tiếng Anh và gentilhomme trong tiếng Pháp?
Võ Sĩ Đạo như trên đã nói là một loạt lời răn đạo đức mà người võ sĩ phải tuân theo hoặc nên tuân theo. Nó thuộc vào loại luật pháp bất thành văn. Thông thường, đó là một số câu cách ngôn truyền miệng, hoặc trải qua nhiều đời truyền khẩu rồi được một võ sĩ nào đó ghi lại. Nó không phải là loại bộ luật trình bày bằng văn tự mà là một thứ luật pháp khắc sâu trong lòng người. Chính vì vô ngôn vô văn tự, chỉ thể hiện qua hành động thực tế, nên Võ Sĩ Đạo mới càng có sức mạnh to lớn hơn. Nó không do đầu óc của một người nào đó sáng tạo ra, cho dù người đó giàu trí tuệ và vĩ đại thế nào đi nữa, lại càng không phải là sản phẩm của cuộc đời một người nào đó từng trải qua, dù cuộc đời ấy hiển hách thế nào; mà nó được phát triển qua cuộc sống hàng trăm năm của các võ sĩ. Địa vị của Võ Sĩ Đạo trong lịch sử đạo đức Nhật Bản gần như sánh ngang với địa vị của Hiến pháp Anh Quốc trong toàn bộ lịch sử chính trị nước Anh. Thế nhưng Võ Sĩ Đạo không có điểm nào có thể so sánh với Đại Hiến Chương(5) hoặc Chế độ Bảo đảm Nhân thân(6) của nước Anh. Đúng là hồi đầu thế kỷ XVII từng xuất hiện những thứ như Gia pháp Võ sĩ (tiếng Nhật: Buké Hatto), nhưng 13 điều lệnh của Gia pháp Võ sĩ phần lớn là các quy định cứng nhắc về hôn nhân, kết bè lập phái, xây dựng thành quách, chỉ có một chút quan hệ với các lời răn của võ sĩ. Bởi vậy trên thực tế Võ Sĩ Đạo không có thời gian và địa điểm hình thành rõ ràng. Nhưng vì nó phát triển tự giác trong chế độ phong kiến cho nên về mặt thời gian có thể coi là nó trùng hợp với thời điểm khởi thuỷ chế độ phong kiến. Đồng thời, bản thân chế độ phong kiến là do nhiều yếu tố tạo nên, bởi thế Võ Sĩ Đạo cũng kế thừa bản tính phức tạp của chế độ đó. Tại nước Anh, chế độ phong kiến và chế độ chính trị phong kiến khởi đầu từ thời đại bị người Norman chinh phục (7); cũng tương tự, chế độ phong kiến Nhật hình thành vào cuối thế kỷ XII, cùng thời với sự thống trị của Yoritomo (8). Các yếu tố của chế độ xã hội phong kiến Anh quốc đã tồn tại từ lâu trước khi William đệ nhất chinh phục nước này; cũng như vậy, mầm mống của chế độ phong kiến Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện từ rất lâu trước thời đại Yoritomo tôi đã nhắc tới.
Tương tự như châu Âu, sau khi chế độ phong kiến Nhật chính thức thiết lập, tầng lớp võ sĩ chuyên nghiệp tự nhiên trở nên quan trọng. Tên gọi chính thức của họ là samurai tức "thị vệ". Xét về từ nghĩa, nó tương tự với từ tiếng Anh cổ đại cniht (knecht, knight, tức kỵ sĩ hoặc hiệp sĩ), nghĩa là kẻ hộ vệ hoặc tuỳ tòng. Về tính chất, nó giống như soldurii (dũng sĩ) từng sống trong vùng rừng núi Aquitiana (9) thời Caesar (10); hoặc theo Tacitus (11) là những comitati (vệ sĩ) đi theo các thủ lĩnh người German (12) thời đó. Khi ta nói về các thế hệ sau nữa, họ càng giống các milites medii (đấu sĩ) của châu Âu thời Trung cổ. Một tên gọi khác cũng được dùng rộng rãi là từ Hán-Nhật Bu-ké (võ gia, nhà võ) hoặc Bu-shi (võ sĩ).
Võ sĩ là một tầng lớp đặc quyền; nguồn gốc ban đầu của họ là những người bẩm tính thô bạo, lấy chinh chiến làm nghề nghiệp. Trải qua bao cuộc chiến tranh liên miên, những đấu sĩ ban đầu do quả cảm và giàu tinh thần mạo hiểm mà được chiêu mộ để tham gia các cuộc chiến đó, rốt cuộc còn lại không nhiều. Những người tồn tại qua các lần đào thải ấy tất nhiên không phải là loại người nhút nhát nhu nhược. Tính cách của họ, xin tạm mượn lời của Emerson (13) để diễn tả, là một "dòng dõi thô lỗ, cường tráng, đầy sức mạnh hung bạo". Họ hình thành các gia tộc và đội ngũ samurai. Vào thời ấy, cùng với những đặc quyền to lớn và vinh dự cao quý mà tầng lớp mình được hưởng, các samurai nhận thức được việc tầng lớp võ sĩ của họ có một trách nhiệm trọng đại và cần có một chuẩn tắc hành xử chung. Vì họ lệ thuộc vào các gia tộc lãnh chúa khác nhau và các gia tộc đó thường xuyên giao chiến với nhau, cho nên việc xây dựng một chuẩn tắc hành xử như vậy lại càng cần thiết và bức xúc đối với chính các samurai[2]. Cũng như giới y học phải dựa vào quy tắc hành y để kiềm chế sự cạnh tranh giữa các thầy thuốc, hoặc giới luật gia buộc phải tuân theo các nghi thức toà án, nếu không chính họ đều sẽ có nguy cơ bị rơi vào cảnh bị khởi tố, các samurai cũng phải cần có một thứ luật pháp như vậy nhằm ràng buộc hành vi của họ.
Trong chinh chiến, họ phải có thái độ quang minh chính đại ! Ngay trong các tộc người dã man hoặc trong lũ trẻ con cũng có các mầm mống của loại ý thức đạo đức như thế. Đây chẳng phải là cái gốc của tất cả mọi chế độ văn trị, võ trị đó sao? Chúng ta chê cười mong ước của Tom Brown (14), một đứa trẻ người Anh, tựa như bởi lẽ ta lớn rồi mà không nên có điều ước đó nữa. Nhân vật chính trong "Thuở học trò của Tom Brown" (Tom Brown's School Days) từng muốn lưu danh muôn thưở là một kẻ không bắt nạt lũ nhóc bé hơn mình, cũng không quay lưng lại với lũ trẻ lớn.” Thế nhưng, bạn đã bao giờ nghĩ rằng, chính cái nguyện vọng đơn giản ấy lại là nền móng của cả một toà lâu đài đạo đức không? Nếu tôi nói với bạn rằng, ngay cả các tôn giáo ôn hoà nhất, hoà bình nhất cũng sẽ tán thành nguyện vọng ấy, phải chăng bạn sẽ cảm thấy tôi có gì quá lời? Điều phi thường của nước Anh vĩ đại chính là ở cái nguyện vọng nho nhỏ ấy của bé Tom. Hơn nữa, ta còn phát hiện thấy nền tảng kiến tạo nên Võ Sĩ Đạo chính là một nguyện vọng nào đó cũng vĩ đại như nguyện vọng của bé Tom. Cho dù tín đồ giáo phái Quakers (15) chứng minh đúng rằng, chiến tranh dù là tấn công, xâm lược hoặc phòng thủ, tự vệ, đều là dã man và không chính đáng cả, thì chúng ta vẫn còn có thể học tập Lessing (16) mà nói: “Chúng ta đều biết rằng dù khuyết điểm lớn đến đâu, thì mỹ đức bao giờ cũng vẫn có thể sinh ra từ chiến tranh."
[Ở đây còn ghi chú thêm: học giả Ruskin (17) là một trong những người tốt bụng và yêu hoà bình hơn ai hết, nhưng xuất phát từ nhiệt tình với cuộc sống và nhu cầu phấn đấu, ông vẫn vững tin vào giá trị của chiến tranh. Trong tác phẩm "Vương miện trên cây ô-liu dại" (Crown of Wild Olive) ông viết: "Khi nói chiến tranh là cơ sở của mọi nghệ thuật, tôi cũng muốn nói rằng nó cũng là cơ sở của mọi đạo đức cao quý và tài năng của loài người. Đối với tôi sự phát hiện ra điều ấy quả là kỳ quặc và đáng sợ. Nhưng đó là một sự thật không thể phản bác... Nói gọn lại, tôi phát hiện thấy các dân tộc vĩ đại đều qua chiến tranh mà học được chân lý của ngôn từ và sức mạnh của tư duy. Họ được nuôi dưỡng trong chiến tranh, nhưng lại bị hao mòn trong hoà bình; được chiến tranh dạy dỗ rồi lại bị hoà bình lừa gạt; họ được chiến tranh tôi luyện rồi bị hoà bình phản bội; tóm lại, họ sinh ra trong chiến tranh và bị tiêu tan trong hoà bình."]
(Theo chúng tôi, có lẽ chỗ này bản tiếng Anh in nhầm, vì J. Ruskin có tác phẩm The Grown of Wild Olive (Sự lớn lên của cây ô-liu dại) chứ không có tác phẩm Crown of Wild Olive.)
Những từ ngữ như "ti tiện" và "hèn nhát" là lời phỉ báng xấu xa nhất đối với các võ sĩ tính cách chân chính và có cái tâm kiện toàn. Các trẻ em bắt đầu cuộc đời chúng từ quan niệm ấy, và các võ sĩ cũng vậy. Nhưng đồng thời với cuộc sống ngày càng mở rộng và các mối quan hệ trở nên đa nguyên hoá, những niềm tin ban đầu đã không đủ để nâng đỡ sự phát triển về sau, cần có những quyền uy cao hơn và các nguồn lực hợp lý hơn để chấp thuận các niềm tin đó. Nếu chỉ thích nghi với quy luật chiến tranh mà không có sự nâng đỡ về mặt đạo đức ở mức cao hơn, thì lý tưởng của giới võ sĩ sẽ bị suy sụp, Võ Sĩ Đạo sẽ không thể phong phú muôn màu muôn vẻ. Tại châu Âu, Ki Tô giáo không những tạo dựng được một thoả hiệp về giáo lý thích hợp với Hiệp Sĩ Đạo, mà còn truyền vào nó những dữ kiện của linh hồn. Nhà thơ Pháp Lamartin (18) từng nói: "Tôn giáo, chiến tranh và vinh quang là 3 linh hồn của một hiệp sĩ Ki Tô giáo hoàn hảo." Võ Sĩ Đạo ở Nhật Bản cũng có những nguồn gốc như vậy.
....
Bạn có thể Download full truyện tại đây.
Ebook truyện hay - Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Võ sĩ đạo là một hệ thống đạo đức
Nguồn từ: Cleverstore.vn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Tuấn Anh (Mr)
Sales Staff
Mobile: 01697315946
Email: n.tuananh02232@gmail.com
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CleverAds - Make customers come to you
Google Premier SMB Partner
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
0 Response to "Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - VÕ SĨ ĐẠO LÀ MỘT HỆ THỐNG ĐẠO ĐỨC"
Post a Comment