Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nguồn Gốc Của Võ Sĩ Đạo

Bạn có thể xem Ebook tiếng Việt miễn phí tại đây.

Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nitobe 

Inazō

Chương 2:

Nguồn Gốc Của Võ Sĩ Đạo


       Phật giáo là yếu tố đầu tiên dẫn đến sự ra đời Võ Sĩ Đạo. Tâm trạng bình thản yên tĩnh đối với số phận, lặng lẽ phục tùng những gì tất phải đến, không sợ hãi khi gặp hiểm nguy, coi thường tính mạng và thân thiện với cái chết - tất cả đều là những điều Phật giáo gợi ý và ban phát cho Võ Sĩ Đạo. Khi một võ sư kiếm thuật nổi tiếng truyền cho các môn đệ những tuyệt chiêu của mình, ông dạy: "Ngoài những đường kiếm ta đã truyền, các ngươi phải học Zen." Trong tiếng Nhật, Zen ("Thiền") được dịch từ phạn ngữ Dhyâna, nghĩa là "sự gợi mở nhận được khi qua thiền định mà tiến hành suy ngẫm tại nơi vượt ra bên ngoài phạm vi biểu đạt bằng ngôn ngữ” (Lafcadio Hearn (19), "Từ ngoại lai và sự nhìn lại quá khứ”, Exotics and Retrospectives, trang 84). Suy ngẫm là phương thức của Thiền; theo tôi hiểu, mục đích suy ngẫm là để đạt tới chân lý ở phía sau mọi hiện tượng, và tiến gần một cách vô hạn tới cái Tuyệt Đối, hài hoà nhất trí với Tuyệt Đối. Khi định nghĩa như vậy về Thiền trong Võ Sĩ Đạo thì các lời răn nói trên đã không còn là một cảm xúc tôn giáo nữa, mà trở thành một thứ đạo để người ta tu hành; bất cứ ai cũng đều có thể thông qua nó để thấu hiểu cái Tuyệt Đối, để siêu thoát thế sự, đạt tới sự đốn ngộ triệt để, "tiến vào một bầu trời mới và vùng đất mới."

     Ngoài Phật giáo ra thì nguồn gốc thứ hai của Võ Sĩ Đạo là Shinto (20); nó bổ sung các lời răn mà Phật giáo không có. Trước hết, Thần đạo yêu cầu phải trung thành khắc cốt ghi xương với thần linh (tức chúa phong kiến, quân chủ), sự tôn kính tổ tiên và hiếu thuận với cha mẹ đều là các biến thái của lòng trung này, qua đó làm cho Võ Sĩ Đạo vượt xa khỏi phạm trù tôn giáo. Tóm lại, các bẩm tính của sự trung thành ấy đem lại đặc trưng phục tùng cho tính cách ngạo mạn của các samurai. Trong loại Thần đạo này không có thứ giáo lý “nguyên tội"(21) . Ngược lại, nó tin rằng con người vốn lương thiện, cũng thuần khiết như chính các thần linh; con người được nâng lên tới vị trí thiêng liêng như nơi trú ngụ của các thần linh. Ai từng đến thăm các miếu thờ Thần đạo đều thấy trong miếu không có tượng thần thánh và đạo cụ, chỉ có một tấm gương treo ở gian trong, ngoài ra chẳng có gì hết. Hàm nghĩa tồn tại của tấm gương này khá rõ ràng, nó biểu thị khi tâm hồn thuần khiết trong sạch thì hình ảnh của thần linh sẽ được hiện lên trong tấm gương. Bởi vậy, khi làm lễ trước thần linh, người ta chỉ nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương. Cách hành lễ như thế tương đương với lễ Delphi (22) thời xưa: hãy nhận biết chính bản thân mình! Có điều, "nhận biết bản thân" dù là trong tín ngưỡng Hy Lạp hoặc Nhật Bản, cái nhận biết được không phải là các hiểu biết về thân xác và tâm-sinh lý, mà là cái đạo đức trong thâm tâm. Mommsen từng so sánh thú vị về nghi thức tôn giáo của người Hy Lạp và người La Mã: khi hành lễ, người Hy Lạp nhìn lên Trời, còn người La Mã che mặt bằng một tấm vải; nghĩa là người Hy Lạp chăm chú nhìn lên thần linh, còn người La Mã thì tự kiểm điểm chính mình. Sự phản tỉnh của người Nhật Bản có cùng tính chất như người La Mã; hơn thế, ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở sự hoàn thiện đạo đức cá nhân mà là ở ý thức tập thể của toàn dân tộc. Phương thức thờ cúng của Thần đạo khiến cho đối tượng sùng bái của người võ sĩ là lãnh thổ và chủ quyền của nước Nhật Bản; họ sùng bái tổ tiên trên tất cả các phổ hệ, cách sùng bái ấy khiến hoàng gia Nhật Hoàng trở thành tổ tiên xa xưa nhất (23) của toàn thể dân chúng Nhật Bản. Cho nên với chúng tôi lãnh thổ đất nước không có nghĩa là mảnh đất để trồng trọt hoặc để khai thác lấy được vàng bạc châu báu, mà là nơi ở thiêng liêng của các vị thần linh, là tinh thần của tổ tiên chúng tôi. Người Nhật Bản coi Thiên Hoàng không chỉ có ý nghĩa là Rechtsstaat (nguyên thủ chính trị cai trị đất nước) hoặc Culturstaat (người bảo vệ văn hoá của quốc gia văn minh) - mà hơn thế nữa, còn là đại biểu ở dưới đất của ông Trời, gieo rắc lòng nhân ái cho nhân gian, thi hành quyền lực của Trời. Nếu M. Boutmy tác giả cuốn "Người Anh" (The English People, trang 188) là đúng khi ông nói Hoàng gia Anh quốc không những chỉ là hình ảnh của quyền lực, mà là tác giả và biểu tượng của sự thống nhất dân tộc" - thế thì tôi tin rằng, ấn tượng về sự thiêng liêng của Hoàng gia tại Nhật Bản lại càng nên nhấn mạnh gấp đôi gấp ba.

      Thần đạo mang lại cho người võ sĩ hai đặc tính vượt trội trong đời sống tình cảm của dân tộc chúng tôi - đó là tình yêu nước và lòng trung thành với đất nước. Arthur May Knapp rất đúng khi nói: “Trong văn học Hebrew (24), thường là rất khó phân biệt chỗ nào tác giả nói về Thượng Đế hay là về đất nước, nói về Trời hay là về Jerusalem; nói về Chúa Cứu thế Messiah hay là về quốc dân.” (xem: "Chế độ phong kiến và nước Nhật Bản hiện đại". Feudal and Modern Japan, tập 1 trang 183). Sự lẫn lộn nhập nhằng tương tự cũng xuất hiện trong tên gọi các đức tin của dân tộc chúng tôi. Tôi nói nhập nhằng, vì những người trọng logic cảm thấy bối rối trước sự mơ hồ của từ ngữ. Là bộ khung của bản năng và của tình cảm dân tộc, Thần đạo không bao giờ giả trang thành một thứ triết học có hệ thống hoặc thần học hợp lý. Loại tín ngưỡng này - dù là có tính tôn giáo hay bản thân nó là hoá thân của tình cảm dân tộc - đã truyền cho Võ Sĩ Đạo một tình cảm trung quân ái quốc tương đối triệt để. Việc chăm sóc tình cảm đó không phải là sự răn dạy giáo lý, mà là sự nhận biết- cảm tính. Vì, khác với Nhà thờ Ki Tô giáo thời Trung cổ, Thần đạo Nhật Bản không dùng bất cứ kinh sách nào để dạy dỗ tín ngưỡng thiêng liêng cho các tín đồ của mình, mà cung cấp ngay cho họ một quy chế hành xử thẳng thắn, đơn giản.

Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nguồn Gốc Của Võ Sĩ Đạo

     Nói đến quy chế đạo đức nghiêm ngặt, thì học thuyết của Khổng Tử (25) là nguồn đạo đức phong phú nhất của Võ Sĩ Đạo. Những lời dạy về 5 mối quan hệ luân lý vua-tôi (quân thần), cha-con, chồng-vợ, anh- em, bạn bè với nhau, mà người Trung Quốc gọi là Ngũ Luân, thì Nhật Bản đã có kiểu trật tự tự phát như thế ngay từ trước khi các bộ sách kinh điển của Nho giáo truyền vào nước chúng tôi. Nhưng học thuyết của Khổng Tử đã có tác dụng cố định và thể chế hoá trật tự ấy. Về chính trị, Khổng Tử đề xướng cách ứng xử nhân ái, bình tĩnh và có lý trí. Những tư tưởng và ngôn luận bảo thủ, quý tộc hoá ấy đều rất thích hợp với tầng lớp võ sĩ Nhật Bản thời bấy giờ. Với tư cách là kẻ thực hành cai trị nước Nhật, giới võ sĩ tìm được từ các kinh sách của Trung Quốc những phẩm chất họ muốn có. Sau Khổng Tử, học thuyết của Mạnh Tử (26) cũng có ảnh hưởng lớn đối với Võ Sĩ Đạo. So Với Khổng giáo thì học thuyết của Mạnh Tử bình dân hơn, giàu lòng đồng tình. Tuy dễ được rất nhiều người bản tính nhân ái tiếp thu, nhưng tư tưởng Mạnh Tử lại bị cho là phản nghịch đối với trật tự xã hội hiện hành. Trong một thời gian dài, sách của Mạnh Tử bị cấm ở Nhật, song điều đó không ngăn cản các võ sĩ hiếu học vẫn tiếp thu tư tưởng Mạnh Tử và dùng nó làm chuẩn mực xử thế.

     Các trước tác Khổng Mạnh trở thành sách vỡ lòng của thanh thiếu niên Nhật, và là chỗ dựa để người lớn bàn thảo mọi vấn đề. Nhưng chỉ tinh thông các kinh điển ấy của Nho giáo thôi thì chưa thể được mọi người kính trọng. Các nhà hủ Nho đọc đầy một bụng kinh sách mà không tiêu hoá nổi, bị người đời chê cười là "đọc mà không hiểu”. Một võ sĩ nổi tiếng gọi họ là những con "mọt sách". Một võ sĩ khác ví học vấn là thứ thức ăn đã bốc mùi thiu. Ông nói, học vấn khác nào một món ăn đã thiu, cần phải đun lại trước khi ăn. Đọc càng lắm sách thì mùi thiu thối càng nặng. Đọc ít sách thì mùi thối sẽ bớt. Sở dĩ các võ sĩ có lối cao đàm khoát luận như thế là do trong lòng họ chỉ có một học vấn duy nhất là học vấn về cách xử thế, tức cách tu thân, biến tri thức thành tâm hồn chứa đựng tràn trề trong cái hình hài võ sĩ. Nếu không, tuy lắm kiến thức mà không biến nó thành hành động, thì chẳng khác gì một cỗ máy không có chút sức quyến rũ nào. Tri thức của người võ sĩ sẽ biến thành phẩm chất, khí tiết, chứa đựng khí thiêng của vũ trụ. Bởi vậy, Võ Sĩ Đạo không chấp nhận một số tri thức, như quan điểm của Huxley (27) về Thuyết Tiến hoá, nó chẳng liên quan gì đến việc tu thân mà chỉ là sự chứng minh máy móc về vũ trụ không phải là tri thức trong lòng người võ sĩ.

      Võ Sĩ Đạo coi thường các hiểu biết thuần tuý về mặt học thức. Trong con mắt các võ sĩ, tri thức nên là biện pháp để có được trí tuệ, họ không tìm hiểu tri thức chỉ vì để nắm bắt được nó. Những người có học vấn suông bị các võ sĩ coi là một thứ máy đọc biết ngâm vài câu thơ theo yêu cầu của người khác. Bởi thế câu nói của Socrates (28) "Tri thức phải chỉ đạo hành động thực tế của con người" trở thành thước đo hành động của võ sĩ. Triết gia Trung Quốc Vương Dương Minh (29), người từng trình bày chính xác học thuyết ấy của Socrates, cũng nhiều lần nhắc lại tính chất quan trọng của "Tri Hành hợp nhất" (biết thế nào thì làm thế ấy).

      Trong khi đang nói về đề tài này, tôi xin phép ra ngoài đề một chút, bởi lẽ một số loại võ sĩ nổi tiếng từng chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi học thuyết của Vương Dương Minh. Bạn đọc phương Tây dễ dàng nhận thấy là trong các tác phẩm của Vương Dương Minh có nhiều chỗ tương đồng với Tân Ước. Khi xem xét các từ ngữ đặc trưng cho một học thuyết nào đó, thì đoạn văn “Trước hết hãy tìm vương quốc của Chúa và lẽ công bằng của Người, và tất cả những thứ đó sẽ được cộng vào cho mi", đã chuyển tải một tư tưởng có thê tìm thấy trong hầu hết các trang sách của Vương Dương Minh. Một môn đệ người Nhật của Vương là Miwa Shissai nói: "Vị chúa tể của Trời, Đất và của mọi chúng sinh thì ở ngay trong trái tim con người, trở thành trí óc (tiếng Nhật: Kokoro) của nó; do đó trí óc là một sinh thể và mãi mãi toả sáng", và lại nữa, "ánh sáng tâm linh của sự hiện hữu căn bản của chúng ta là thuần khiết và không chịu ảnh hưởng của ý chí con người tự phát bật ra trong trí óc chúng ta, nó cho thấy cái gì là đúng, cái gì là sai, sau đó nó được gọi là ý thức, thậm chí nó là ánh sáng tiếp nối từ Chúa Trời." Những từ ngữ đó nghe giống biết bao với những đoạn trích từ Isaac Pennington hoặc những huyền học triết lý khác! Tôi thiên về ý nghĩ rằng, trí óc Nhật Bản, như được diễn đạt trong những giáo điều giản dị của Thần đạo (Shinto), thì đặc biệt cởi mở tiếp nhận các giáo huấn của Vương Dương Minh. Ông đã đưa học thuyết không gì phá vỡ nổi của ông về ý thức tới thuyết siêu nghiệm cực đoan, gán cho nó khả năng cảm nhận không chỉ sự khác biệt giữa đúng và sai, mà cả bản chất của những sự kiện tâm lý và các hiện tượng vật lý. Ông đã đi khá xa như, nếu không muốn nói là xa hơn Berkeley và Fichte trong chủ nghĩa duy tâm, khi phủ định sự tồn tại tất cả những gì ở ngoài phạm vi hiểu biết của con người. Nếu hệ thống của ông có tất cả mọi sai lầm logic của thuyết duy ngã, thì nó lại có mọi hiệu quả của một đức tin mạnh mẽ và sự nhập khẩu đạo đức của nó trong sự phát triển tính cá thể của nhân cách và sự điềm tĩnh của tâm trạng là không thể phủ nhận được.

      Vì thế, cho dù bất cứ nguồn gốc nào, các nguyên tắc  cốt yếu của Võ Sĩ Đạo hấp thụ từ nguồn gốc đó và tự tiêu hoá, đều là ít và đơn giản. Chúng ít và đơn giản, vừa đủ để trang bị một lời chỉ dẫn an toàn cho cuộc đời như  nhau qua những ngày rối ren của thời kỳ không ổn định  nhất trong lịch sử Nhật Bản. Với bản chất thuần phác, các tổ tiên dũng cảm của chúng tôi kiếm được cho mình đầy đủ các món ăn tinh thần phong phú từ một bó lúa nơi công cộng và từ các học thuyết chắp vá nhặt mót được trên những con đường cái và đường tắt của tư duy cổ đại rồi được kích thích bởi các yêu cầu của thời đại, hình thành một dạng tính khí nam nhi cương nghị mới và độc đáo từ những bó lúa mót được ấy. Một người Pháp uyên bác sắc sảo là ông De la Mazelière đã tóm tắt ấn tượng của ông về thế kỷ XVI như sau: "Trong khoảng giữa thế kỷ XVI, tại Nhật Bản đã diễn ra sự lộn xộn trong chính quyền, xã hội và giáo hội. Trong các cuộc nội chiến, mọi tập quán đã quay trở lại thời kỳ dã man, nhu cầu mỗi người tự thực thi sự công bằng - do đó đã hình thành những con người có thể so sánh với người Ý của thế kỷ XVI, từng được Taine (30) ca ngợi là sự khởi đầu mạnh mẽ, thói quen giải quyết vấn đề một cách đột ngột và liều mạng, khả năng to lớn hành sự và chịu đựng. Tại Nhật cũng như tại Ý, các thói quen thô lỗ của thời Trung cổ làm cho con người trở thành loài động vật tuyệt vời hoàn toàn hiếu chiến và hoàn toàn kháng cự. Và đó là lý do tại sao thế kỷ XVI thể hiện ở mức cao nhất những phẩm chất chủ yếu của chủng tộc Nhật Bản. Sự thay đổi lớn đó được phát hiện thấy giữa tư duy cũng như giữa các khí chất. Trong khi tại Ấn Độ và ngay cả tại Trung Quốc, người ta khác nhau chủ yếu ở mức độ nghị lực hoặc trí thức, thì tại Nhật Bản, người ta khác nhau bởi tính cách ban đầu. Giờ đây, cá tính là dấu hiệu của các chủng tộc cao hơn và của nền văn minh phát triển. Nếu sử dụng cách diễn đạt quen thuộc của Nietzsche (31), ta có thể nói rằng ở châu Á, khi nói về nhân loại là nói về các vùng đồng bằng; còn tại Nhật Bản và châu Âu, điều đó thể hiện tất cả qua các ngọn núi."

      Để thấm nhuần các đặc tính của những người được ông Dễ la Mazelière mô tả ở trên, chúng ta hãy bắt đầu với yếu tố Nghĩa.
....

Ebook truyện hay - Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nguồn Gốc Của Võ Sĩ Đạo

Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản
Nguồn từ: Cleverstore.vn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Tuấn Anh (Mr)
Sales Staff
Mobile: 01697315946
Email: n.tuananh02232@gmail.com
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CleverAds - Make customers come to you
Google Premier SMB Partner
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ebook tiếng Việt miễn phí, Ebook truyện hay, Ebook truyện kiếm hiệp


LIKE and Share this article: :

0 Response to "Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản - Nguồn Gốc Của Võ Sĩ Đạo"

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts