Thời Của Những Kẻ Giết Người - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu

Bạn có thể xem Ebook tiếng việt miễn phí tại đây.

Thời Của Những Kẻ Giết Người - Nghiên 

Cứu Về Rimbaud

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu



      Chính vào năm 1927, trong tầng lầu chìm dưới mặt đất của một ngôi nhà tối tăm dơ dáy ở Brooklyn mà tôi được thấy tên tuổi Rimbaud được nhắc đến lần thứ nhất[1]. Lúc ấy tôi ba mươi sáu tuổi và đang ở trong Mùa địa ngục dài đằng đẵng của riêng tôi. Một cuốn sách rất lý thú về Rimbaud đang nằm đâu đó trong căn nhà nhưng tôi chẳng hề ngó ngàng tới một lần. Nguyên do là bởi tôi ghê tởm người đàn bà chủ nhân cuốn sách lúc ấy đang sống chung với chúng tôi. Trong vẻ mặt, tính tình và cử chỉ của nàng, như sau này tôi khám phá thấy, hơi giống Rimbaud như người ta có thể tưởng tượng.

      Như tôi đã nói, dầu Rimbaud là tất cả đề tài câu chuyện mất thì giờ giữa Thelma và vợ tôi, tôi không cố gắng tìm hiểu chàng. Thực ra, tôi chiến đấu điên cuồng để đẩy chàng ra khỏi tâm trí tôi, dường như đối với tôi lúc đó chàng là một thiên tài xấu xa vô tình gây cho tôi mọi phiền nhiễu và khổ cực. Tôi thấy rằng Thelma, người mà tôi khinh miệt, đã đồng hoá với chàng, hết sức bắt chước chàng, không những chỉ trong hành vi mà cả trong lối thơ nàng viết. Tất cả mọi sự hiệp lực âm mưu để khiến tôi cự tuyệt tên tuổi, ảnh hưởng, ngay cả cuộc đời chàng. Lúc đó tôi đang ở bậc thang thấp nhất trong toàn thể nghề nghiệp tôi, tinh thần tôi hoàn toàn tan tác. Tôi còn nhớ tôi ngồi trong tầng lầu ẩm lạnh dưới mặt đất cố viết dưới ánh đèn cầy leo lét bằng một cây bút chì. Tôi đang cố gắng viết một vở kịch miêu tả tấn thảm kịch của chính tôi. Không bao giờ tôi vươn lên nổi quá hồi thứ nhất.

     Trong trạng thái tuyệt vọng và kiệt quệ đó dĩ nhiên tôi hoài nghi đến cùng cực thiên tài của một thi sĩ mười bẩy tuổi. Tất cả những điều tôi nghe nói về chàng có vẻ như một chuyện bịa đặt của mụ Thelma điên khùng. Lúc đó tôi đã đi đến chỗ có thể tin rằng, với chuyện bịa đặt đó, mụ có thể cầu đảo những cách hành hạ tế nhị để reo rắc tai ương sầu não cho tôi, bởi mụ cũng ghét tôi nhiều như tôi ghét mụ. Cuộc sống mà ba chúng tôi đang sống lúc đó, và tôi kể dài dòng trong Đóng đinh trên cây thập tự hồng, giống như một đoạn trong truyện của Dostoievsky. Đối với tôi ngày nay nó có vẻ không thực và không thể tin được.

     Tuy nhiên, điểm chính là tên của Rimbaud đã đeo dính. Mặc dầu tôi chẳng hề ngó ngàng gì đến tác phẩm của chàng cho đến sáu bẩy năm sau, ở nhà Anais Nin ở Louveciennes, sự hiện diện của chàng chẳng bao giờ rời tôi. Đó còn là một sự hiện diện xáo trộn nữa. “Một ngày kia mi sẽ phải vật lộn với ta.” Đó là điều tiếng nói của chàng không ngừng nhắc nhở bên tai tôi. Ngày mà tôi đọc dòng đầu tiên của Rimbaud, tôi sực nhớ lại rằng đó là bài Le Bateau Ivre mà Thelma thường lảm nhảm đọc đi đọc lại khá nhiều lần. Con tầu say! Hàm ngụ xiết bao tựa đề đó ngày nay trong ánh sáng của tất cả những điều tôi cảm thấy nghiệm sau này! Trong thời gian đó Thelma chết trong một dưỡng trí viện. Và nếu tôi không tới Paris, bắt đầu làm việc hăng hái ở đó, tôi nghĩ rằng số phận tôi có lẽ cũng tương tự như vậy. Trong tầng nhà dưới mặt đất trên Đỉnh cao Brooklyn đó, con thuyền của tôi đã đắm. Khi cuối cùng sống thuyền gẫy làm đôi và tôi ý thức được rằng tôi tự do, rằng cái chết tôi đã trải qua đã giải thoát tôi.

     Nếu thời kỳ ở Brooklyn đó tượng trưng Mùa địa ngục của tôi, thì thời kỳ ở Paris, nhất là từ năm 1932 đến 1934, chính là thời kỳ Thần cảm của tôi vậy. 

     Đem tác phẩm Rimbaud ra thảo luận vào thời kỳ này, khi chưa bao giờ tôi phong phú, hân hoan, phấn khởi như thế, tôi phải gạt chàng ra ngoài, đối với tôi sự sáng tạo của riêng tôi còn quan trọng hơn. Chỉ liếc qua văn phẩm của chàng là tôi biết ngay cái gì đang nằm trong kho phần tôi. Chàng là cốt mìn thuần tuý, nhưng trước hết tôi phải liệng cây gậy của tôi. Vào thời gian đó tôi không biết chút chi về cuộc đời chàng trừ từng đoạn rời mà Thelma đã làm vương vãi những năm về trước. Tuy nhiên tôi cũng phải đọc đôi dòng tiểu sử chàng. Đó là vào năm 1943, trong khi sống tại Beverly Glen với John Dudley, hoạ sĩ, lần đầu tiên tôi đọc vể Rimbaud. Tôi đọc Một mùa địa ngục của Jean – Marie Carré, kế đó là tác phẩm của Enid Starkie. Tôi tê điếng lặng câm. Dường như chưa bao giờ tôi đọc thấy một cuộc đời nào bị trù ếm khủng khiếp như cuộc đời Rimbaud. Tôi hoàn toàn quên tất cả mọi nỗi thống khổ của tôi, trầm trọng hơn nỗi thống khổ của chàng rất nhiều. Tôi quên những thất bại và nhục nhã tôi đã chịu đựng, những vực thẳm tuyệt vọng và bất lực mà thường xuyên tôi quị xuống. Giống như Thelma ngày xưa, tôi cũng không thể nói gì ngoài Rimbaud. Tất cả mọi người đến nhà đều phải nghe bài ca Rimbaud.

     Mãi tới ngày nay, mười tám năm sau khi nghe tên chàng lần thứ nhất, tôi mới có thể thấy rõ chàng, đọc chàng như một tiên tri thấu trị. Ngày nay tôi mới biết sự đóng góp của chàng vĩ đại nhường nào. Ngày nay tôi mới hiểu ý nghĩa của cuộc đời và tác phẩm chàng - đến cao độ, nghĩa là, đến mức độ mà người ta có thể tự hào mình hiểu cuộc đời và tác phẩm của kẻ khác.Nhưng điều tôi nhìn thấy rõ rệt nhất là tôi đã thoát khỏi cái định mệnh ti tiện đê hèn tương tự một cách kỳ diệu thế nào.

     Rimbaud cảm nghiệm cơn khủng hoảng của chàng năm mười tám tuổi, tới phút giây đó trong đời chàng, chàng đã đi tới sát biên giới của cuồng dại; từ điểm đó trên cuộc đời chàng là một sa mạc mênh mông. Tôi tới cơn khủng hoảng của tôi vào tuổi ba mươi sáu tới ba mươi bẩy, tuổi mà Rimbaud chết. Từ điểm đó trên đời tôi bắt đầu nở hoa. Rimbaud từ văn chương quay về cuộc sống, tôi làm ngược lại. Rimbaud chạy trốn những ảo tưởng huyền hoặc mà chàng đã tạo ra; tôi ôm ấp chúng. Tỉnh lại bởi cơn điên cuồng và sợ hãi lãng phí kinh nghiệm thuần tuý của cuộc đời, tôi ngừng lại và chuyển năng lực của tôi vào sáng tạo. Tôi lăn xả vào sáng tác với cùng sự hăng hái và nhiệt tình mà trước kia tôi đã lăn xả vào cuộc đời. Thay vì mất cuộc đời, tôi kiếm được cuộc đời; hết phép lạ này đến phép lạ khác liên tiếp xảy ra, mọi bất hạnh được biến đổi thành truyện hay để kể. Rimbaud, mặc dầu lao vào trong một cảnh giới có phong thổ và cảnh vật khó tin, vào trong một thế giới của ảo giác dị thường và kỳ diệu như thơ chàng, đã trở nên càng ngày càng cay đắng, câm nín, trống rỗng và sầu muộn.

     Rimbaud hoàn lại văn chương cho cuộc sống; tôi cố gắng hoàn trả cuộc sống cho văn chương. Trong cả hai chúng tôi tính chất tín điều đều mạnh mẽ, mối quan tâm trí óc và tinh thần quan trọng hơn hết. Khiếu về ngôn ngữ, về âm nhạc hơn là nghề văn chương là một nét chung khác. Với chàng, tôi cảm thấy một bản chất nguyên thuỷ nền tảng tự thị hiện bằng nhiều cách kỳ dị. Claudel gọi Rimbaud là “một người thần bí trong trạng thái man rợ”. Không có gì có thể mô tả chàng hay hơn. Chàng không “thuộc về” – không ở nơi nào, tôi luôn có cảm thức tương tự về mình. Những sự tương đồng không kể hết được. Tôi sẽ đi sâu vào một vài chi tiết của những sự tương đồng ấy, vì trong khi đọc tiểu sử và thư từ tôi thấy những sự tương hợp ấy rõ ràng đến nỗi tôi nghĩ rằng tôi không thể cưỡng lại được việc ghi nhận chúng. Tôi không nghĩ rằng về phương diện này tôi là kẻ độc nhất, tôi nghĩ rằng trên thế giới này có nhiều Rimbaud và con số đó sẽ gia tăng cùng với thời gian. Tôi nghĩ rằng, trong thế giới tương lai, mẫu Rimbaud sẽ thay thế mẫu Hamlet và mẫu Faust. Chiều hướng đang đi đến một rạn nứt sâu xa hơn. Cho đến khi cựu thế giới bị tiêu diệt hoàn toàn, cá nhân “dị thường” sẽ càng ngày càng đi đến chỗ trở thành khuôn mẫu. Con người mới sẽ chỉ tìm thấy mình khi cuộc chiến giữa tập thể và cá nhân ngừng lại. Lúc đó chúng ta sẽ thấy kiểu mẫu nhân loại trong vẻ tràn đầy và rực rỡ của nó.

      Muốn nắm trọn tầm quan trọng của Mùa địa ngục của Rimbaud, kéo dài tám năm, chúng ta phải đọc thư từ của chàng. Phần lớn thời gian này trôi qua trên bờ biển Somali, ở Aden một vài năm. Đây là một đoạn mô tả chốn địa ngục trần gian, trong một lá thư gửi cho mẹ chàng:

     “Mẹ không tưởng tượng được nơi này: không một ngọn cây, dù là một cây khô héo, không một tấc đất. Aden là miệng của một ngọn núi lửa đã tắt, cát biển lấp đầy. Khắp nơi người ta chỉ thấy phún xuất thạch và cát không thể sản sinh ra một cọng cỏ nào. Xung quanh là sa mạc cát vây phủ. Nơi đây những vách núi nửa tắt chắn gió thổi vào và mọi người bị quay chín như trong một lò hầm.”

     Tại sao một thiên tài, một người đầy năng lực, đầy tiềm lực thiên phú lại xếp đặt để tự nhốt mình, quay chín và bó chặt mình trong một cái hang hốc khốn khổ như thế? Đây là một người mà một ngàn cuộc đời cũng không đủ để thám hiểm những kỳ diệu của trái đất, một người cắt đứt với bằng hữu và thân quyến vào lúc tuổi còn xanh để cảm nghiệm cuộc đời trong sự tròn đầy của nó, tuy nhiên dần dà chúng ta thấy chàng mắc kẹt ở trong hang hốc địa ngục đó. Chúng ta làm sao giải thích được sự kiến đó? Dĩ nhiên chúng ta biết rằng lúc nào chàng cũng nóng lòng sốt ruột, rằng chàng trù liệu trăm phương ngàn kế và dự phóng để tự giải thoát mình, và giải thoát mình không phải chỉ khỏi Aden mà khỏi toàn thể thế giới tranh đấu mồ hôi nước mắt. Là một kẻ phiêu bạt song le Rimbaud bị ám ảnh bởi ý tưởng vươn tới tự do độc lập mà chàng diễn dịch bằng sự an ổn tài chính. Vào năm hai mươi tám tuổi chàng viết cho gia đình rằng điều quan trọng nhất, cấp thiết đối với chàng là trở nên độc lập, bất cứ ở đâu. Điều chàng quên thêm vào là, và bất cứ bằng cách nào. Chàng là một sự pha trộn kỳ diệu của táo bạo và nhút nhát. Chàng có can đảm phiêu lưu vào nơi không một người da trắng nào khác dám đặt chân tới, nhưng chàng không dám đối diện với cuộc đời mà không có một nguồn lợi thường xuyên. Chàng không sợ mọi ăn thịt người, nhưng chàng sợ chính những người anh em da trắng của chàng. Dầu chàng cố gắng ki cóp của cải tiện nghi, với của cải đó chàng có thể du lịch thế giới một cách nhàn nhã và thoải mái hay định cư ở một chỗ nào mà chàng thấy đắc địa, chàng vẫn còn là thi sĩ và kẻ mơ mộng, con người bất khả thích nghi với cuộc đời, con người tin vào phép lạ, con người hướng vọng Thiên đàng dưới hình thức này hay hình thức kia. Mới đầu chàng nghĩ rằng năm mươi ngàn quan sẽ đủ để bảo đảm chàng trong đời sống, nhưng khi chàng gần như thành công trong việc thu thập số tiền đó thì chàng lại quyết định rằng một trăm ngàn có lẽ bảo đảm hơn. Bốn mươi ngàn quan đó! Thật là một thời gian khốn khổ khủng khiếp chàng trải qua khi quấn cái ruột tượng đó quanh người! Quả đúng là một tai hoạ của chàng. Khi họ khiêng chàng trên một cái cáng từ Harar tới bờ biển - một cuộc hành trình, một cách tình cờ, có thể so sánh với cuộc hấp hối của đấng Christ – tư tưởng chàng luôn luôn hướng về vàng bạc trong hầu bao của chàng. Ngay cả khi ở tại bệnh viện Marseilles, nơi chân chàng phải cưa đi, chàng cũng vẫn áy náy về cái ruột tượng đó. Nếu không phải là sự đau đớn khiến chàng thao thức ban đêm thì đó chính là ý nghĩa về số tiền chàng mang trên người, mà chàng phải dấu đi để khỏi bị đánh cắp. Chàng muốn gửi số tiền đó vào ngân hàng nhưng làm sao chàng có thể tới ngân hàng trong khi chàng không bước đi được? Chàng viết thư về nhà yêu cầu một người nào tới để giữ gìn kho tàng quí báu của chàng. Có một cái gì quá bi đát và khôi hài đến nỗi người ta không biết nói sao hay nghĩ sao nữa.
....

Ebook truyện hay - Thời Của Những Kẻ Giết Người - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Thời Của Những Kẻ Giết Người - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
Nguồn gốc:Cleverstore.vn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Tuấn Anh (Mr)
Sales Staff
Mobile: 01697315946
Email: n.tuananh02232@gmail.com
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CleverAds - Make customers come to you
Google Premier SMB Partner
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



LIKE and Share this article: :

0 Response to "Thời Của Những Kẻ Giết Người - Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts