Đông Chu Liệt Quốc - Để Hiểu 8 Bộ Tiểu Thuyết Cổ Trung Quốc

Bạn có thể xem Ebook tiếng Việt miễn phí tại đây.

Để Hiểu 8 Bộ Tiểu Thuyết Cổ Trung Quốc - 

Lương Duy Thứ

Đông Chu Liệt Quốc

Kho tàng điển cố văn chương.

       Trong kho tàng hơn 300 bộ trường thiên tiểu thuyết Trung Hoa, Đông Chu liệt quốc chí (ghi chép lịch sử các nước thời Đông Chu) ít được các bộ lịch sử văn học Trung Quốc nhắc đến, nhưng lại được phổ biến khá rộng, được độc giả nhiều thời đại quen biết. Điều đó trước hết do tính chất đa chức năng của cuốn sách. Lỗ Tấn trong sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược có trích dẫn lời Thái Ngao nói rằng : "Nếu bảo là sách kinh điển (chinh kinh) thì rốt cục nó có bộ dạng tiểu thuyết... nhưng nếu bảo là tiểu thuyết thì việc mỗi người đều lấy từ kinh truyện" (Đông Chu liệt quốc chí độc pháp). Quả vậy, người đọc có thể tìm thấy ở đây những kiến thức lịch sử cổ đại Trung Quốc, những tấm gương tôi trung con hiếu, những số phận loạn thần tặc tử, nhưng đồng thời cũng có thể thưởng thức những mẩu chuyện lý thú như nụ cười ngàn vàng của người đẹp Bao Tự, cái cau mày nghiêng nước nghiêng thành của Tây Thi, hay những điển cố văn chương như Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ, Lạn Tương Như vì nước quên thân, Kinh Kha chết vì người tri kỷ .. Như vậy là Đông Chu liệt quốc không hẳn là văn, không hẳn là sử ; nói cho chính xác là một bộ sách thông tục viết về lịch sử thời Đông Chu (thế kỷ 8 đến 3 trước công nguyên). Đương nhiên, nói thế không phải để biện hộ cho những chỗ khiếm khuyết của Đông Chu liệt quốc mà chỉ nhằm khẳng định tính đa chức năng của tác phẩm. Có một thời các nhà viết sách Trung Quốc có một quan niệm hẳn hoi về việc viết lách, đó là "thuật nhi bất tác" - cái gì cũng phải có căn cứ trong sách vở ngày xưa, người viết không hư cấu sáng tạo thêm mà chỉ sắp xếp, gia công, chỉnh lý. Mãi về sau này, các tác giả cá nhân các cá tính sáng tạo mới ngày một có vị trí vững chắc. Trước kia, thơ thì đầy điển cố như những chuẩn mực thẩm mỹ, kịch thì dàn dựng những biến cố, những sự tích có trong sách vở, tiểu thuyết thì diễn nghĩa sử sách[1]. Có người trách Nguyễn Du sao lại đi vay mượn một cốt truyện Tàu, trách Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều... sao lại dùng quá nhiều điển cố Tàu... là không hiểu nguyên tắc mỹ học đó của nhà nho. Đặc điểm nổi bật của mỹ học nho gia là tính kinh viện, là sự khép kín chống lại khuynh hướng cởi mở, do đó nó hạn chế gay gắt cá tính sáng tạo. Sách vở một thời của Trung Quốc đều như vậy : nói có sách, mách có chứng. Tiểu thuyết thường là diễn nghĩa sử sách, hay chí ít cũng bắt mối từ sử sách. Loại tiểu thuyết này Lỗ Tấn gọi là "Tiểu thuyết giảng sử". Nếu coi Đông Chu liệt quốc là tiểu thuyết thì nó thuộc về loại ấy. Đó cũng là một đặc điểm phổ biến của loại hình văn hóa trung cổ, đặc biệt là ở phương Đông. Có điều ở nhiều dân tộc, đặc điểm này gắn với sự xâm nhập của tôn giáo và quá trình chuyển hóa sang các loại hình cận hiện đại diễn ra sớm hơn ở Trung Quốc.

      Đông Chu liệt quốc bắt nguồn từ Liệt quốc chí truyện của Dư Thiều Ngư người đời Gia Tĩnh, Long Khánh triều Minh. Mà Liệt quốc chí truyện lại là cuốn sách biên soạn và sáng tác lại các truyện trong Tả truyện, Chiến Quốc sách, Sử ký … Cuối Minh còn xuất hiện một cuốn Tân liệt quốc chí truyện 108 hồi, cải biên và nâng cao cuốn của Dư Thiều Ngư. Tác giả Tân liệt quốc chí truyện là ai, đến nay vẫn là một câu hỏi.

     Có người gọi Đông Chu liệt quốc là tiểu thuyết lịch sử, nhưng nói cho thực chặt chẽ thì nên dùng thuật ngữ của Lỗ Tấn "tiểu thuyết giảng sử", nghĩa là loại sách diễn nghĩa sử sách của Trung Quốc. Bởi vì tiểu thuyết lịch sử với tư cách là một thể loại hiện đại có những yêu cầu chặt chẽ về mặt thi pháp của nó. Các tác giả tiểu thuyết giảng sử Trung Quốc hình như chỉ đặt ra một yêu cầu là : thông tục hoá sử sách để đưa kiến thức lịch sử đến với quần chúng đông đảo và qua đó phát biểu những quan điểm của mình về các triều đại, các sự kiện, các nhân vật, nhằm mục đích mượn cổ răn kim.

Đông Chu Liệt Quốc

     Bộ truyện 108 hồi này kể lại phần lớn những sự kiện, những nhân vật khoảng 500 năm lịch sử thời Xuân Thu chiến quốc (thế kỷ VIII đến III trước công nguyên) bắt đầu bằng việc vua Bình Vương nhà Chu dời đô sang phía Đông (Đông Chu) và kết thúc bởi việc Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Lịch sử gọi đó là thời Đông Chu, chia ra hai giai đoạn xuân thu (thế kỷ VIII đến thế kỷ V trước công nguyên) và Chiến quốc (thế kỷ V đến III trước công nguyên). Đó là thời kỳ thứ 2 của lịch sử cổ đại Trung Quốc sau thời kỳ cộng sản nguyên thủy với chế độ bộ lạc thị tộc đã trải qua ba giòng họ Hạ (thế kỷ 21-17 TCN), Thương (TK 17-11 TCN), Tây Chu (TK 11-8 TCN). Chế độ xã hội thời kỳ Đông Chu là nô lệ và phong kiến phân quyền. Trước đây nhiều người cho Xuân Thu đã là phong kiến phân quyền, nhưng ngày nay, ý kiến chung cho Xuân Thu vẫn là chế độ nô lệ, Chiến quốc là phong kiến phân quyền, chuyển sang Tần là phong kiến tập quyền. Lịch sử thời kỳ này là lịch sử chiến tranh giữa các nước chư hầu. Nhà Chu theo chế độ "phong kiến", cấp đất cấp dân cho con cháu họ hàng, biến họ thành một hệ thống những quốc gia chư hầu có nghĩa vụ bảo vệ và cống lễ vật cho hoàng đế thiên tử. Đó là một hệ thống thống trị xây dựng trên quan hệ huyết thống. Tuân tử nói "Con cháu nhà Chu nếu không điên hay ngốc đều được phong chư hầu". Thời Tây Chu, các nước chư hầu sống hòa bình, có quan hệ thân ái, khi có giặc thì cứu giúp nhau. Nhưng dần dần do tham vọng quyền lực và đất đai, họ thôn tính lẫn nhau. Đầu Tây Chu có khoảng 1000 nước chư hầu lớn nhỏ, đến Xuân Thu còn lại hơn 100 nước, trong đó Tần, Tấn, Tề, Sở tranh nhau làm bá chủ. Sang Chiến quốc chỉ còn lại 7 nước gọi là Thất hùng : Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần, Yên. Bảy nước này hoặc kết hợp với nhau theo chiều dọc để chống lại sự thôn tính của nước Tần hùng mạnh gọi là kế "hợp tung", hoặc là liên minh với Tần để tiêu diệt dần các nước khác gọi là kế "liên hoàn". Các thuyết khách nổi tiếng thời này như Trương Nghi, Tô Tần... bươn bả đó đây đều nhằm thuyết phục các vua chư hầu thực hiện một trong hai kế đó. Trong bảy nước chiến quốc, ban đầu Tần lạc hậu về mọi mặt[2]. Nhưng từ thế kỷ IV trước công nguyên, vua Tần thực hiện đường lối cải cách của  Thươg Ưởng nên ngày một mạnh lên và đến đầu thế kỷ 3 trước công nguyên thì đánh bại hai nước láng giềng phía Đông là Hàn và Ngụy, rồi lại phá được liên minh Tề - Sở, đánh chiếm kinh đô của Sở, kết thúc cục diện thất hùng tương tranh, lập ra đế quốc Tần thống nhất vào năm 221 trước công nguyên.

      Thời kỳ này cũng là một thời kỳ tranh luận học thuật sôi nổi. Phương châm phát triển khoa học và nghệ thuật được ghi vào hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hiện nay. "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" chính đã ra đời trong thời kỳ này. Các nhà viết sử đua tranh tổng kết các giai đoạn, các sự kiện, đánh giá các nhân vật để qua đó phát biểu chính kiến của mình. Sách Xuân thu của Khổng tử, sách Tả truyện của Tả Khâu Minh, Cốc Dương truyện của Cống Dương Cao, Cốc lương truyện của Cốc lương Xích, Quốc ngữ, Chiến quốc sách (không rõ tác giả). Các triết gia đua tranh phát biểu đường lối chính trị, quan điểm nhân sinh và luân lý. Luận ngữ của Khổng tử, Mạnh tử của Mạnh Kha, Tuân tử của Tuân Khanh, Mặc tử của Mặc Địch, Đạo đức kinh của Lão Đam, Trang tử của Trang Chu, Hàn Phi tử của Hàn Phi...[3] những thành tựu sử học, triết học, luân lý học thời này đã đặt nền tảng đầu tiên cho học thuật Trung Hoa và các trước tác sử truyện thời này đã trở thành nguồn gốc của ngàn vạn bộ tiểu thuyết cùng kịch bản sau này.
....

Ebook truyện hay - Đông Chu Liệt Quốc - Để Hiểu 8 Bộ Tiểu Thuyết Cổ Trung Quốc.

Đông Chu Liệt Quốc - Để Hiểu 8 Bộ Tiểu Thuyết Cổ Trung Quốc
Nguồn từ: Cleverstore.vn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Tuấn Anh (Mr)
Sales Staff
Mobile: 01697315946
Email: n.tuananh02232@gmail.com
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CleverAds - Make customers come to you
Google Premier SMB Partner
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



LIKE and Share this article: :

0 Response to "Đông Chu Liệt Quốc - Để Hiểu 8 Bộ Tiểu Thuyết Cổ Trung Quốc"

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts