Bạn văn - Ông già nghiện sách thiếu nhi

Bạn có thể xem Ebook tiếng Việt miễn phí tại đây.

Bạn văn - Ông già nghiện sách thiếu nhi

Nguyễn Quang Lập.



Ông già nghiện sách thiếu nhi


Từ khi đi làm việc đến giờ mình được làm việc với ba ông sếp, đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn Lợi và Nguyễn Thắng Vu, cả ba mình đều   coi như anh trọng như thầy, họ cũng coi mình như thằng em thân thiết, đó là một diễm phúc không phải ai cũng có được.
Mình về làm việc ở Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1996, bỏ báo Văn Nghệ về đấy vì với 800 ngàn của báo Văn nghệ không đủ nuôi vợ con, Kim Đồng hứa trả cho mình ba triệu đồng/ tháng, đơn giản chỉ có thế thôi. Nhiều bạn bè ngạc nhiên lắm, nói sao mày lại về Kim Đồng, mày mà về Kim Đồng a. Bây giờ nghĩ lại quả là bàn tay số phận đã chìa ra đúng lúc, từ ngày về Kim Đồng mình thật sự đổi đời.

Khi mình về đấy thì Kim Đồng đã qua kì hoạn nạn, đang đến kì thịnh vượng, chứ trước đó thì gay go lắm. Mấy anh quen sống trong bao cấp đến khi cơ chế chuyển đổi, Nhà nước bắt phải tay làm hàm nhai, không anh nào không lúng túng, có anh chết yểu ngay từ đâu, Kim Đồng cũng thế. Ai đời thuả một NXB trung ương mà giám đốc phải vay tiền nhân viên để in sách, sách bán không được càng vay càng khốn. Hình ảnh tổng biên tập Bùi Hồng phải bày cả chiếu sách bên Bờ Hồ, ngồi chồm hổm bán lẻ từng cuốn một… đến chết cũng chẳng ai quên.

Anh Vu nhận chức giám đốc đúng thời kì đó, anh bay đủ trò, xoay xở đủ kiểu, hết chuyện tranh ba chiều đến Tôn Ngộ Không cử động, vẫn không sao ngoi qua được cơn bĩ cực. Một ngày đẹp giời anh được một người từ Thái Lan về giới thiệu cuốn Đôremon, nói cuốn bày bán chạy lắm. Sách Nhật đọc từ sau ra trước, lóại truyện tranh comic được làm như phim, lâu nay xứ Việt chỉ quen tranh trên lời dưới, chưa ai biết tí gì về ngôn ngữ loại truyện tranh này, thành ra nhìn vào như nhìn cái hũ nút, chẳng ai hiểu gì cả.

Nhiều người khuyên nên bỏ, ta không hiểu làm sao trẻ con hiểu được, làm chẳng biết có bán được không khéo không ôm cục nợ vào thân, lại còn tiếng Nhật tiếng nhéo bản quyền bản kéo, mệt lắm. Nhưng anh Vu quyết làm, đó là quyết sách đúng đắn nhất của đời anh, đẩy Kim Đồng một bước lên tiên,  đưa Nguyễn Thắng Vu trở thành nhà làm sách số 1 của ngành Xuất bản.

Sách bán chạy không ngờ, số lượng tăng vùn vụt hàng ngày, từ năm bảy ngàn lên đến năm bảy vạn, cuối cùng dừng lại con số 20 vạn. Anh Vu nhiều lần véo vào đùi thử xem đang mơ hay là thật, một bước lên tiên quả thật còn hơn cả một giấc mơ, bây giờ nhớ lại chuyện này anh hãy còn rất xúc động.

Mình về Kim Đồng buổi sáng, buổi trưa anh gọi vào phòng, đưa cho ba triệu, nói em cầm lấy mà mắc cái điện thoại, mình nói em mắc rồi mà. Anh cứ dúi vào tay nói thì cứ cầm đi, anh em trong cơ quan đều có suất ba triệu mắc điện thoại cả, nhưng em mới về thì chưa được tiêu chuẩn ấy. Kể ra anh bảo văn phòng cấp cho em cũng được, nhưng như thế không hay, anh em mình cùng làng phải giứ ý. Khi đó mình mới biết  anh cùng làng với mình, nhà mình anh biết không sót người nào, lại còn chơi thân với ông anh cả, về sau lại biết anh còn có họ hàng xa với mình nữa.

Được vài ngày anh lại gọi vào đưa cho hai triệu, nói anh thấy dáng mày mặc áo da đẹp lắm, mua một cái mà dùng. Mình kiên quyết nói không, anh nhìn mình rưng rưng, nói thì cứ coi như anh mày cho mày, có gì đâu.

Mình áy náy quá kể chuyện này với anh Nam ( Trần Đình Nam), con rể cụ Nguyễn Huy Tưởng, anh Nam cười khì khì, nói ôi anh cho tao nhiều lắm, cho mày thế đã ăn thua gì. Sau này thì biết trong cơ quan ai có chút khó khăn anh đều giúp đỡ cả, chẳng cứ gì mình. Anh thuộc típ trọng người tài, đám văn trẻ Trần Đức Tiến, Trần Kì Trung, Đỗ Quang Hạnh, Bùi Chí Vinh… gặp lần nào anh đều dúi tiền vào túi.

Số anh hình như sinh ra để bao bọc người khác. Hồi chiến tranh anh phải nuôi một đàn cháu lắt nhắt lít nhít đứa mất mẹ đứa bố chết.  Cái thời đói khổ vô biên, thêm một miếng ăn không hề đơn giản, một mình anh kéo một đoàn tàu há mồm cả con lẫn cháu mười mấy đứa, ai nhìn cũng phát sợ. Đến thời đổi mới, cháu con đứa nào cũng ăn ra làm nên, NXB Kim Đồng đến kì phát đạt thì anh lo bao bọc người ngoài.

Có lẽ không có cơ quan nào dám nuôi 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng như Kim Đồng, cũng chẳng nhà xuất bản nào dám xây cả chục cái trường học như Kim Đồng, chưa kể hàng ngàn suất học bổng Đôremon, hàng chục thư viện lớn nhỏ các xã vùng sâu vùng xa. Thực ra Kim Đồng chả giàu, có chút của ăn của để chứ chả giàu, ối cơ quan giàu gấp năm gấp mười Kim Đồng chẳng ai làm như anh.

Mình ngồi với Nguyễn Nhật Ánh lần nào cũng vậy, nói chuyện loanh quanh một hồi thế nào cũng lại cũng nói chuyện anh Vu. Chưa thấy ai Ánh quí và phục như anh Vu. Ánh viết văn, thành đạt văn chương trước khi gặp anh Vu nhưng có thể nói chắc rằng nó chỉ trở thành đại gia văn học thiếu nhi  khi và chỉ khi gặp anh Vu. Ít ai chăm sóc khách hàng tỉ mỉ, cụ thể đầy thái độ trân trọng và thân thiết tựa người nhà như anh Vu, Ánh vượt qua kì hoạn nạn cũng một phần có sự giúp đỡ của anh. Bộ Kính vạn hoa đã đưa Nguyễn Nhật Ánh lên nhà văn có số lượng bạn đọc lớn nhất trong lịch sử văn học nước nhà, trong đó có công của anh Vu không nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn.

Tuồng như trời sinh Nguyễn Thắng Vu ra để làm sách thiếu nhi, anh nghiện làm sách đến độ có lẽ chỉ trừ khi ngủ là anh không nghĩ về sách. Bất kì lúc nào anh cũng nghĩ về sách, nói về sách, anh nói say sưa không biết chán kể từ tuổi ba mươi cho đến gần tuổi tám mươi rồi vẫn cứ nói. Mỗi năm nhà Kim Đồng cho ra cả nghìn đầu sách, không cuốn nào anh không chăm chút từng ly từng tí, một cái lỗi kĩ thuật bé tí cũng làm anh mất ngủ..

Anh Nam nói anh Vu nghiện sách thiếu nhi hơn người ta nghiện thuốc phiện. Mình gật đầu cái rụp, nói đúng đúng, bây giờ nếu ai đó cấm anh  Vu nghĩ về sách thiếu nhi thì anh chết ngay tức khắc chẳng cần bệnh tật gì.
....

Ebook tiếng Việt miễn phí - Bạn văn - Ông già nghiện sách thiếu nhi

Nguồn từ:Cleverstore.vn
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Tuấn Anh (Mr)
Sales Staff
Mobile: 01697315946
Email: n.tuananh02232@gmail.com
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CleverAds - Make customers come to you
Google Premier SMB Partner
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


LIKE and Share this article: :

0 Response to "Bạn văn - Ông già nghiện sách thiếu nhi"

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts